TẬP KHÍ CHẠY ĐUỔI

Chúng ta chạy đuổi ban ngày và chạy cả trong giấc ngủ. Chúng ta không biết cách ngừng lại. Chúng ta trước tiên thực tập để biết ngừng, sau đó là buông thư, bình tâm và định tâm lại. Khi ta có thể làm như vậy là ta trở về được bây giờ và ở đây. Và chúng ta sẽ vững chãi. Khi đã vững chãi, chúng ta có thể nhìn ra chung quanh. Ta có thể nhìn sâu vào lúc này, nhìn sâu vào bản chất của mình và khám phá ra bản thể chân như. Nhìn sâu ta sẽ thấy dù ta là sóng nhưng ta cũng là nước. Nhưng nếu ta không học để dừng lại được thì ta không thể định tâm và nhìn sâu. Chúng ta sẽ không buông bỏ được sợ hãi vì ta không đủ mạnh, không đủ vững chãi để nhìn ra chân lý không đến không đi.

Muốn thắng các tập khí của mình là chuyện rất khó khăn. Tiến sĩ Ambedkar, nguyên là nghị sĩ quốc hội Ấn Độ, xưa thuộc giới bần cùng (Untouchable). Ông tranh đấu cho quyền lợi của giới này. Ông cảm thấy rất rõ rằng Phật giáo là niềm hy vọng để giúp cho giới bần cùng được an toàn và giữ được phẩm giá. Đạo Bụt không tin vào sự phân chia giai cấp. Vậy nên một hôm tại Bombay có năm trăm ngàn người Ấn cùng khổ tới để thọ Tam quy Ngũ giới với tiến sĩ Ambedkar. Tôi đã tới Ấn Độ để ủng hộ và giúp đỡ cộng đồng này. Chúng tôi nói pháp thoại và hướng dẫn những ngày thực tập chánh niệm.

Hãy tưởng tượng bạn lớn lên trong giai cấp bần cùng đó. Tưởng tượng mọi người chung quanh ai cũng bạc đãi bạn và bạn luôn lo sợ cho mạng sống của mình. Tưởng tượng bạn luôn luôn phải chiều lòng những người ở giai cấp cao hơn để được sống bình an. Bạn sẽ sống ra sao? Bạn có thảnh thơi và sống trong hiện tại được chăng? Hay là bạn lo lắng thường trực về tương lai. Tập khí lo lắng là thứ rất mạnh.

Người tổ chức chuyến đi Ấn Độ cho tôi cũng xuất thân từ giai cấp cùng khổ. Anh sống ở New Delhi với vợ và ba con. Anh rất muốn làm cho chuyến đi của tôi thoải mái và thành công. Một buổi sáng chúng tôi ngồi trên xe buýt để đi tới một cộng đồng ở địa phương khác. Tôi thích thú ngắm cảnh qua khung cửa chỗ tôi ngồi. Khi quay lại nhìn anh bạn kia, tôi thấy anh rất căng thẳng. Tôi nói: “Anh bạn ơi, tôi biết anh rất muốn làm cho chuyến đi của tôi thoải mái và vui vẻ. Nhưng bạn biết không? Tôi đang hài lòng lắm ngay lúc này. Xin đừng lo âu nữa, hãy ngồi dựa lưng vô cho thoải mái”. Anh ta trả lời “dạ!” và có vẻ thoải mái hơn một chút. Rồi tôi lại quay ra cửa sổ, thực tập thở vào thở ra và thưởng thức những hàng cây cọ trong nắng sớm.

Tôi nghĩ tới những chiếc lá bối (lá cọ) ghi lại kinh điển của Bụt từ thời xa xưa. Lá bối dài và hẹp. Người ta dùng một mũi nhọn để ghi trên lá những lời dạy của Bụt. Họ giữ được hơn ngàn năm những bản kinh bằng lá đó. Tôi nhớ ở xứ Nepal người ta tìm ra được những bản kinh trên lá bối đã viết từ một ngàn năm trăm năm trước. Rồi tâm tôi lại hướng về anh bạn trẻ. Có lẽ chỉ hai phút sau, tôi quay lại và thấy anh ta lại trở nên cứng ngắc và căng thẳng rồi. Anh khó mà thảnh thơi được dù chỉ trong ít phút.

Là một người thuộc giai cấp cùng khổ, cả đời anh phải tranh đấu để sống. Bây giờ dù anh có một căn hộ xinh xắn tại ngay New Delhi và có việc làm tốt, tập khí luôn luôn tranh đấu của anh vẫn còn rất mạnh. Qua nhiều thế hệ, những người thuộc giai cấp bần cùng đó đã phải phấn đấu ngày đêm để sống còn. Tập khí từ bao đời đó được truyền tới anh. Muốn chuyển hóa nó không phải là chuyện dễ. Anh ta cần thời gian và cần được huấn luyện. Với sự hỗ trợ của bạn cùng tu tập, trong vài tháng hay vài năm anh có thể chuyển hóa tập khí tranh đấu và căng thẳng đó được. Ai cũng có thể làm như vậy. Bạn có thể làm cho bạn thoải mái và thảnh thơi.

Nếu bạn muốn chuyển hóa tập khí chạy đuổi và căng thẳng, bạn cần nhận diện chúng ngay mỗi khi chúng ló đầu ra. Thở và mỉm cười, bạn nói: “Tập khí thân mến của ta ơi, ta biết em ở đó rồi!”. Khi đó bạn sẽ được tự do. Bạn có thể tự nhắc nhở, tự huấn luyện mình. Bạn không thể có người bạn tâm linh nào suốt hai mươi bốn giờ mỗi ngày để nhắc nhở bạn. Tôi đã nhắc anh bạn kia và chỉ có hiệu quả được hai phút thôi. Anh ta phải tự làm. Ai cũng phải tự làm lấy. Bạn phải là người bạn của chính mình và chọn sống trong môi trường nào mà có thể giúp được bạn.

Tập khí chảy rất mạnh trong chúng ta. Nó có thể đã được truyền qua nhiều thế hệ mới tới chúng ta. Nhưng bạn không cần trao truyền nó lại sau này. Bạn cần nói được với con cháu rằng bạn đã được bước đi trong vương quốc của Thượng đế. Bạn sẽ muốn nói với chúng như vậy, như tôi đã nói với các bạn tôi, rằng không ngày nào tôi không đi trong đó. Nếu bạn có thể làm như vậy, cuộc đời bạn sẽ là niềm hứng khởi cho nhiều người. Có lẽ bạn và con bạn sẽ luôn luôn được cùng bước đi trong Tịnh độ.

————-

HT. THÍCH NHẤT HẠNH

Trích: Không Diệt Không Sinh Đừng Sợ Hãi; Người dịch: Châu Huyền; NXB Hội Nhà Văn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *