CHẤP NHẬN PHẢN HỒI

Đây là điều thường khiến chúng ta không thoải mái nên ta cũng thường không chấp nhận chúng. Nói rằng “Tôi muốn được thăng tiến”, hay “Tôi muốn ứng cử vào chính quyền địa phương”, hay “Tôi muốn tăng lương” là một chuyện. Nhưng việc hỏi “Tôi đang ở đâu?” lại là một chuyện khác. Khi nói vậy, tôi muốn bạn hiểu rằng: Ngay lúc này người khác nhìn nhận bạn thế nào? Điểm yếu của bạn là gì? Điều gì đang kìm hãm bạn trên con đường tiến lên?

Tôi khuyến khích những ai chưa từng làm đánh giá chính thức hãy tiến hành cuộc khảo sát trực tuyến mà người tham gia có thể ẩn danh. Hãy tiếp nhận các phản hồi về ý tưởng, đề xuất, kế hoạch, hay hiệu suất làm việc của bạn. Bởi vì để thuyết phục thành công, bạn phải gặp gỡ khán giả ở đúng vị trí của họ. Điều đó có nghĩa là thừa nhận những đánh giá ban đầu của họ về bạn, những điều không vừa tai và tất cả mọi thứ. Sau đó, hãy tìm cách thay đổi.

Sau đây là những gì xảy ra với tôi trong thực tế. Khi bắt đầu công tác ở maslansky + partners, sau tất cả những nỗ lực để được làm việc tại đây, tôi nguyện dành toàn tâm, toàn ý cho công việc và mục tiêu là đạt được một vị trí lãnh đạo. Nhưng khi đọc các đánh giá, tôi thực sự choáng váng khi biết mọi người nghĩ gì về mình.

Đầu tiên, người ta đã coi tôi là một lãnh đạo và tôi không biết gì về điều này. Nhưng đừng vội vỗ tay, vì họ cho rằng tôi là người lãnh đạo tệ, người đang cố gắng lấy lòng họ.

Thứ hai, người ta nghĩ tôi là kẻ lười biếng vì tôi thường đi làm trễ.

Thứ ba, người ta không nghĩ rằng tôi là một người thuyết trình hay một nhà lãnh đạo tư tưởng giỏi.

Thứ tư, điều này thật ấn tượng, mọi người nghĩ tôi có được công việc bằng cách sử dụng ngoại hình. Và còn nhiều hành vi bất chính khác. Điều này hoàn toàn không đúng.

Tất nhiên, ngay khi nhận được những phản hồi này, một phần trong tôi muốn bỏ đi, chỉ cần buông bỏ và tìm một công việc khác. Khi cố gắng nghĩ tới việc thay đổi nhận thức của mọi người, tôi cho rằng mình sẽ không bao giờ làm được.

Sau đó tôi nhận ra mình phải làm được. Công việc này là mơ ước cả đời của tôi. Hơn nữa, tôi sẽ không thể hỗ trợ khách hàng giải quyết vấn đề tương tự nếu tự đầu hàng trước khó khăn. Vì vậy, tôi đã tự vấn bản thân. Làm thế nào để xoay chuyển tình huống này?

Tôi biết tôi phải làm chính xác theo những gì tôi đã khuyên khách hàng: Hãy thực tế về những hiểu lầm; xác nhận chúng, không chối bỏ và cởi mở. Nó khiến tôi cực kỳ khó chịu, và dễ tổn thương. Nhưng rồi tôi đã viết một thông báo cho các đồng nghiệp rằng tôi đã nhận được phản hồi của họ và dù cảm thấy thật kinh khủng, tôi vẫn lắng nghe họ. Tôi nói, “Tôi hứa sẽ làm việc tốt hơn. Tôi biết cần thời gian để lấy lại niềm tin, nhưng tôi sẽ làm. Đầu tiên, tôi cần cho các bạn biết là tôi đã trải qua một ca phẫu thuật sáu tháng trước đây và giờ tôi đang vật lộn với các biến chứng. Tôi nên cho các bạn biết điều này nhưng tôi đã không làm vậy vì, thành thật mà nói nó khá tế nhị, liên quan đến việc sinh con. Điều này thực sự rất khó khăn về tâm lý và tôi muốn làm việc ở một nơi mà tôi có thể không phải suy nghĩ nhiều về nó. Nhưng đấy là một sai lầm, vì dĩ nhiên các bạn muốn biết tôi đã ở đâu. Giờ đây, tôi sẽ đánh dấu tất cả các cuộc hẹn với bác sĩ lên lịch làm việc của tôi và bạn sẽ biết chính xác khi nào không thể gặp được tôi”.

Vậy là đã giải quyết được một trong những mối quan tâm của họ. Người ta nói rằng trong kinh doanh, bất cứ điều gì không rõ ràng đều sẽ được sử dụng để chống lại bạn. Dù thế nào thì chúng cũng được diễn dịch thành điều tiêu cực. Con người chúng ta có bản năng không dành cho người khác những suy đoán tích cực khi ta nghi ngờ.

Để giải quyết một mối quan tâm khác của họ, tôi nhận ra mình phải nghiêm túc tạo niềm vui cho nhân viên nhưng cần nghiêm khắc trước khi nó trở nên bát nháo. Một nhà lãnh đạo cần biết sự khác biệt này.

Sau đó, trong cuộc họp, tôi tiếp tục giải quyết cách mọi người nghĩ về tôi, về cách làm việc của tôi. Tôi nói, “Tôi biết trong năm nay tôi đã mang về cho công ty nhiều hợp đồng hơn bất cứ ai. Vâng, có nhiều khách hàng nam ở tuổi trung niên tán tỉnh tôi ngay trước mặt các bạn, trước mặt các thành viên nhóm và điều đó khiến tôi vô cùng khó chịu. Thành thật mà nói, tôi rất ghét việc này. Thật mất phẩm giá và tệ hại, nhưng tôi vẫn phải cười đùa giả lơ. Đấy là một sai lầm. Thành thật mà nói, tôi cần phải đấu tranh hơn. Và tôi thừa nhận rằng, “Tôi cần sự giúp đỡ của các bạn. Tôi sẽ không đùa cợt nữa. Tôi đề nghị các bạn cũng không đùa nữa”.

Mọi chuyện kết thúc với sự tái khởi động. Nhưng tôi đạt được thành công không phải bằng cách nói, “Mọi người điên rồi! Tôi không bao giờ làm điều đó!” hay “Tôi không thể tin các bạn lại xét nét việc tôi đến muộn một chút trong khi tôi luôn về trễ hơn bất cứ ai!”. Đúng vậy phải không? Tôi đã có thể xù lông lên như thế.

Nhưng thay vì vậy, tôi xác nhận quan điểm của họ, và thấy rất cần thiết để nói với họ rằng, “Tôi đang nhìn bản thân qua lăng kính của các bạn và tìm hiểu xem tại sao các bạn lại nhìn nhận tôi như vậy. Một khi làm điều đó, tôi có thể chia sẻ quan điểm của mình với họ và cho họ biết điều gì cần thay đổi để tất cả cùng tiến lên và thuyết phục họ rằng tôi cam kết làm điều đúng đắn.

—–⭐️🌊⭐️—–

LEE HARTLEY CARTER

Trích: Thuyết Phục Bằng Thấu Cảm-Khi Sự Thật Không Thể Lay Chuyển Lòng Người; Nguyễn Văn Minh dịch; NXB. Thế Giới; phuongnambook

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *