Vì sao những người thông minh nhưng sự nghiệp lại trì trệ?

Thực tế, nhiều người có IQ cao nhưng cuộc sống lại khá khiêm tốn và rất nhiều người giàu có nhưng không phải là thiên tài.

Bài viết dưới đây là chia sẻ của cây bút Alan Trapulionis trên nền tảng Medium.

Tôi biết nhiều người rất thông minh. Một vài người trong số đó có thể học thuộc lòng cả cuốn văn học cổ điển. Họ có thể khiến bạn ngạc nhiên về kiến thức uyên thâm của mình. Nhiều người trong số họ có thể đưa ra những lời khuyên giá trị. Tuy nhiên hầu hết trong số họ vẫn phải vật lộn để tạo ra thành công trong sự nghiệp của riêng mình. Tại sao lại như vậy? Tại sao họ thất bại trong việc phát triển sự nghiệp và công việc kinh doanh của mình?

Định nghĩa về trí thông minh của Steve Jobs

Một phần câu trả lời nằm ở định nghĩa của chúng ta về trí thông minh. Chúng ta đã quen với việc định nghĩa trí thông minh là sự kết hợp giữa IQ cao và EQ cao. Đây hầu hết là những đặc điểm bẩm sinh. Do đó, định nghĩa này thuận lợi cho bạn. Vì bạn có thể dễ dàng đổ lỗi sự kém thành công của mình là do may mắn.

Định nghĩa này có một phần đúng. Các nghiên cứu cho thấy IQ là một yếu tố “hợp lý” để dự báo một người có thành công về tài chính hay không. Tuy nhiên, đó không phải là tất cả. Nhiều người có IQ cao nhưng cuộc sống lại khá khiêm tốn và rất nhiều người giàu có nhưng không phải là thiên tài.

Tôi tình cờ xem được một video, Steve Jobs giải thích về đặc điểm của một người thông minh theo cách nhìn của ông. “Thông minh là khả năng ‘thu nhỏ’, giống như bạn đang ở trong thành phố và bạn có thể nhìn toàn bộ mọi thứ từ tầng 80 xuống thành phố. Trong khi những người khác đang cố gắng mò tìm trong tấm bản đồ bé xíu cách để đi từ điểm A đến điểm B, bạn đã nhìn thấy đường đi trước mắt. Nhìn chung bạn có thể hình dung mọi thứ”.

Jobs lưu ý rằng những người thông minh có thể kết nối mọi thứ một cách dễ dàng nhưng người khác đọc vào lại khó hiểu – đơn giản vì họ đã phát triển kỹ năng “thu nhỏ” để có cái nhìn toàn cảnh về bức tranh lớn.

Tất nhiên, điều này nghe có vẻ tuyệt vời. Tất cả chúng ta đều phải đồng ý rằng để có thể thay đổi thế giới, bạn cần phải nhìn thế giới một cách rõ ràng. Nhưng làm thế nào để làm được điều đó? Làm thế nào để bạn nâng cao trí thông minh và trở thành người mà Jobs coi là người “thông minh”?

Vì sao những người thông minh nhưng sự nghiệp lại trì trệ? - Ảnh 1.

Làm thế nào để thông minh theo cách hiểu của Steve Jobs?

“Câu trả lời nằm ở cách trải nghiệm cuộc sống của bạn. Mỗi người có một trải nghiệm khác nhau trong cuộc sống. Nếu không, bạn sẽ không thể tìm ra sự mới mẻ, khác biệt, không thể có tính sáng tạo. Mà kinh doanh thì lại cần những yếu tố mới lạ. Những người cởi mở và nhạy bén với cái mới sẽ tìm kiếm được những điều phi tiêu chuẩn trong cuộc sống”, Steve Jobs nói.

Divyanka Turakhia, một tỷ phú công nghệ Ấn Độ 35 tuổi, đã từng nói rằng: Từ năm 15 tuổi, anh đã dành 800 giờ/năm để đọc sách. Tobias Lütke, nhà tỷ phú của Shopify, được Tim Ferriss khen ngợi là một trong những độc giả năng nổ nhất mà anh từng gặp. Một điểm chung ở những nhà tỷ phú này khi họ đọc sách là họ không học theo những gì trong sách hướng dẫn. Điều họ làm là tiếp cận hơn với nhiều quan điểm khác họ trong cuộc sống.

Sách là cách dễ nhất để chúng ta thu thập thêm những hiểu biết độc đáo giúp định hình thế giới quan. Chúng mở rộng tầm nhìn tinh thần của bạn, vì vậy, thật hợp lý khi ai đó đọc 100 cuốn sách kinh doanh lại có thể phát hiện ra xu hướng đang lên hoặc cơ hội bị bỏ lỡ trong kinh doanh trước những người khác.

Cách đây một thời gian, tôi đã thử nhớ lại những bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời mình. Sau một thời gian, tôi nhận ra rằng những gì làm nên con người tôi hiện tại không phải do những ý tưởng sáng tạo tôi có, cũng không phải do chỉ số IQ của tôi cao, mà là do mọi người.

Những người tôi đã gặp qua, được tiếp xúc, lắng nghe những câu chuyện cùng với những lời khuyên của họ mới là thứ góp phần tạo nên con người tôi ngày nay. Mọi trải nghiệm của tôi đều gắn với con người. Những kinh nghiệm và bài học của họ là vô giá mà nếu chỉ dựa vào trí tuệ của mình sẽ không bao giờ có được.

Bản thân Steve Jobs được truyền cảm hứng rất nhiều từ đạo Phật. Triết lý đạo Phật là sự đơn giản, đồng cảm và chánh niệm – hoàn toàn không xa lạ với các sản phẩm của Apple. Bạn không cần phải đi du lịch nhiều nơi, trải qua nhiều biến cố để tăng trải nghiệm cho bản thân.

Để có được nhiều kinh nghiệm, bạn không nhất thiết lúc nào cũng phải đi ra ngoài gặp gỡ mọi người. Bạn có thể lựa chọn cách đơn giản hơn như đọc sách, trò chuyện với những người khác, lắng nghe câu chuyện của họ. Quy tắc chung rất rõ ràng: Nếu bạn thực sự muốn là một người thông minh trong thế giới chuyên nghiệp ngày nay, bạn phải thu thập những kinh nghiệm mà những người xung quanh bạn ít có được.

Trong thế giới hiện đại và thông minh như ngày nay, để khiến mình khác biệt, bạn phải là người có kinh nghiệm mà những người khác không có, và đó cũng là chìa khóa để trở thành một doanh nhân thành công vì sự thông minh chính là kinh nghiệm. Đó là cách bạn có thể trở thành người “nhìn xa trông rộng”.


Nguồn: ĐINH ANH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *