“Suy Ngẫm Lại”: Thay Đổi Góc Nhìn, Thay Đổi Tư Duy

Suy Ngẫm Lại là cuốn sách dành cho bất kỳ ai muốn tạo nên sự khác biệt, dù trong công việc hay cuộc sống. Đó chính là nghệ thuật trong cách đặt câu hỏi về ý kiến cá nhân cũng như mở rộng suy nghĩ của người khác. “Chúng ta học được nhiều điều hơn từ những người thách thức quá trình suy nghĩ của chúng ta so với những người khẳng định kết luận của chúng ta”. (Suy Ngẫm Lại – Adam Grant)

Thông minh thường được biết đến như khả năng suy nghĩ và học hỏi, nhưng trong một thế giới thay đổi nhanh chóng, có một bộ kỹ năng nhận thức khác có thể quan trọng hơn: khả năng suy nghĩ lại. Cuộc sống của chúng ta, bạn sẽ nhận thấy có rất nhiều người thích sự thoải mái của niềm tin hơn là sự khó chịu của việc nghi ngờ. Chúng ta lắng nghe những ý kiến khiến chúng ta hài lòng thay vì những ý kiến khiến chúng ta phải suy nghĩ nhiều. Chúng ta thường cho rằng bất đồng quan điểm là mối đe dọa đối với cái tôi của bản thân hơn là một cơ hội để học hỏi. Chúng ta thích những người đồng ý với kết luận của mình, điều đó có lẽ khá hiển nhiên. Kết quả là niềm tin của chúng ta trở thành một điều gì đó cố hữu. Tuy nhiên, chính những bất đồng mới là nhân tố thách thức quá trình suy nghĩ và tư duy của con người. Dường như chúng ta có khuynh hướng nghĩ như những nhà thuyết giáo bảo vệ niềm tin của họ, các công tố viên luôn chứng minh phía bên kia là sai, các chính trị gia vận động để được chấp thuận…và quá ít giống như các nhà khoa học đang nỗ lực tìm kiếm sự thật. Được đánh giá cao không hẳn tốt, thậm chí đôi khi nó còn là khuyết điểm. Biết nhiều có thể khiến cho việc suy nghĩ lại trở nên kém hơn. Khi bạn luôn được đánh giá cao và tự tin với kiến thức của mình, bạn sẽ không nhìn thấy những giới hạn của bản thân.

Trong Suy Ngẫm Lại, tác giả nêu lên những ý tưởng táo bạo và luận cứ chặt chẽ, cũng như cách thức mà chúng ta có thể đón nhận niềm vui khi được sai. Bạn sẽ tìm hiểu cách một nhà vô địch tranh luận quốc tế giành chiến thắng trong các cuộc tranh luận, một nhạc sĩ da đen thuyết phục những người da trắng hay một bác sĩ đã khuyên các bậc cha mẹ đồng ý tiêm vaccine cho con họ…Suy Ngẫm Lại tiết lộ rằng chúng ta không cần phải tin vào mọi thứ chúng ta nghĩ hoặc nội tâm hóa những điều chúng ta cảm thấy. Cuốn sách giúp chúng ta cách thức suy nghĩ để có được sự linh hoạt thay vì những kiên định cứng nhắc và ngu ngốc. Nếu kiến thức là sức mạnh thì suy nghĩ về những điều chúng ta không biết chính là sự khôn ngoan.

Socrates đã từng nói: “Cuộc sống không được khám phá không đáng sống”. Thế giới quan của chúng ta là tập hợp các bản năng, thói quen, giả định và kinh nghiệm. Vì vậy, thường xuyên suy nghĩ lại quan điểm của bản thân đóng vai trò quan trọng của việc học suốt đời và có được một tâm hồn cởi mở, khả năng tư duy linh hoạt. Trong tất cả mọi thứ mà một người phải duy trì, tâm trí của chúng ta là quan trọng nhất, trong đó có sự kết nối bản thân với thực tế. Suy nghĩ của chúng ta, đặc biệt là những suy nghĩ cơ bản nhất, giúp chúng ta hiểu thế giới. Adam khuyên chúng ta nên học cách suy nghĩ lại ở ba khía cạnh: cá nhân, suy nghĩ của người khác và môi trường tập thể. Ông cũng dẫn chứng nhiều câu chuyện thú vị như Blackberry, tổng thống Iceland, những thành kiến về ham muốn và các giá trị của tư duy khoa học. Theo Adam, đặc điểm thường xuyên suy nghĩ lại về niềm tin của bản thân, dù lớn hay nhỏ, là điều khiến những nhà tư tưởng giỏi nhất vượt lên trên phần còn lại. Trên thực tế, xu hướng suy nghĩ lại thường xuyên và linh hoạt khi tìm thấy các bằng chứng mới thậm chí có thể vượt xa chỉ số IQ và được xem như là một chỉ số về năng lực trí tuệ của một người.

Cũng như những cuốn sách trước của mình, Adam sử dụng ngôn ngữ một cách nghiêm túc, sắc sảo và các dẫn chứng đều được nghiên cứu kỹ lưỡng trong Suy Ngẫm Lại. Tác giả đưa ra những ý tưởng cho việc tại sao chúng ta phải thường xuyên suy nghĩ lại. Thứ nhất, đó là nhận thức vấn đề. Richard Feynman, nhà vật lý đoạt giải Nobel đã nói: “Bạn không được tự lừa mình”, bởi vì bạn chính là người dễ bị mắc lừa nhất. Chúng ta đặc biệt dễ tự đánh lừa bản thân khi chúng ta cho rằng mình đã biết đủ nhiều và đây chính là điều nguy hiểm nhất. Mọi người thường chỉ muốn khẳng định ý kiến cá nhân mà không tìm cách giải quyết các mâu thuẫn, từ chối các quan điểm đối lập với mục đích chiến thắng hơn là truy tìm sự thật. Suy nghĩ lại để nhận thức vấn đề, mở ra vòng lặp phát triển, đưa chúng ta từ nghi ngờ đến tò mò, tìm hiểu và cuối cùng là tri thức mới. Thứ hai, suy nghĩ như một nhà khoa học. Khi chúng ta bắt đầu với một tinh thần khoa học, chúng ta bỏ qua những niềm tin trước đó của mình để kiểm tra lại toàn bộ bằng chứng. Đó là cách chúng ta có thể tiếp tục phát triển và là mấu chốt của sự tiến bộ loài người. Thứ ba, học cách lắng nghe. Để thuyết phục người khác, điều cần thiết không phải là quy chụp quan điểm cá nhân mà là tìm kiếm quan điểm. Lắng nghe để hiểu rõ hơn các ý tưởng trong quan điểm của người khác. Đó là những gì các nhà khoa học giỏi làm: thay vì đưa ra kết luận, họ kiểm tra giả thuyết của mình bằng cách lắng nghe nhiều hơn. Thứ tư, thừa nhận sự phức tạp. Nếu bạn đã đọc các tác phẩm của Aristotle, bạn sẽ nhận thấy triết gia đưa ra nhiều quan điểm về các chủ đề khác nhau. Aristotle thừa nhận sự phức tạp. Ông không chỉ tìm kiếm những ý tưởng xác nhận quan điểm của bản thân mà còn thu thập các bằng chứng và ý kiến trái ngược. Thừa nhận sự phức tạp giúp ích rất nhiều cho bạn, bởi vì rõ ràng bạn đã xem xét đến những ý tưởng khác. Adam đã nhận định: “Sự phức tạp có thể phá vỡ sự tự tin thái quá và thúc đẩy quá trình suy nghĩ lại. Nó giúp chúng ta khiêm tốn hơn về kiến thức của mình và nghi ngờ hơn về quan điểm của chúng ta, và nó có thể khiến chúng ta đủ tò mò để khám phá thông tin mà chúng ta còn thiếu”. Thứ năm, tìm người thách thức chứ không phải người đồng tình. Adam chỉ ra rằng khi các cuộc tranh luận diễn ra sôi nổi, chúng ta sẽ suy nghĩ rất lâu về ý tưởng của mình. Điều đó giúp chúng ta suy nghĩ và làm việc thông minh hơn. Có lẽ sẽ dễ dàng và thoải mái hơn khi hợp tác với những người đồng ý với chúng ta. Nhưng để làm được những việc lớn, chúng ta cũng cần những người sáng tạo có tư duy độc lập, những người sẽ thúc đẩy chúng ta suy nghĩ lại về các ý tưởng của mình.

Suy Ngẫm Lại là tập hợp các nghiên cứu của tác giả với nhiều dữ liệu nhưng chỉ có độ dày khoảng 300 trang. Nếu độc giả muốn tìm hiểu chi tiết về các nghiên cứu này, bạn có thể tham khảo ghi chú ở cuối cuốn sách. Mặc dù Adam đề cao việc suy nghĩ lại nhưng ông cũng khẳng định rằng chúng ta cần phân biệt việc thường xuyên suy nghĩ lại khác với sự nghi ngờ tùy tiện. Cuốn sách cung cấp những ý tưởng thú vị giúp cho quá trình suy nghĩ của chúng ta trở nên sâu sắc và hiệu quả hơn.

Adam Grant là nhà tâm lý học tổ chức, là giáo sư được đánh giá cao nhất tại Đại học Wharton trong 7 năm liên tiếp. Adam nhận bằng cử nhân tại Đại học Harvard và tiến sĩ tại Đại học Michigan. Ông đã nhận được các giải thưởng thành tựu khoa học xuất sắc của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ và Quỹ Khoa học Quốc gia. Adam cũng là tác giả bán chạy số 1   của New York Times với 5 cuốn sách bán được hàng triệu bản và dịch ra 35 thứ tiếng: Think Again, Give And Take, Orginals, Option B và Power Moves. Sách của ông đã được Wall Street Journal vinh danh là cuốn sách hạy nhất năm. 

Review chi tiết bởi: Quỳnh Ly – Bookademy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *