LÒNG TRẮC ẨN ĐẠO ĐỨC CỦA CHÚNG TA

“Lòng trắc ẩn đạo đức của chúng ta… được cấu tạo để có thể rung cảm, nhưng không phải bởi tác động từ cự ly quá xa đâu. Lý do không phải vì như vậy là tốt cho ta [về mặt đạo đức]. Lý do là vì quan tâm đến bản thân cùng tập thể nho nhỏ của mình giúp ta sống sót, còn quan tâm đến những nhóm cộng đồng khác – đối thủ của ta – thì chẳng thể giúp ta tồn tại. Họa chăng thì ta cũng chỉ nên có thái độ tiêu cực thôi. Chúng ta tranh đấu với họ để giành tài nguyên mà.”
—JOSHUA GREENE, Nhà tâm lý học, luân lý học và Triết học người Mỹ (sinh năm: 1974)
Giáo sư Greene là triết gia đạo đức mà đến Bertolt Brecht cũng thích. Anh là nhà luân lý học hiếm hoi muốn tìm hiểu kỹ lưỡng cách chúng ta thực sự hành xử trước khi đưa ra bất kỳ chỉ thị nào về cách chúng ta nên hành xử. Anh muốn triết học về đạo đức trở nên gần gũi và hữu ích. Ý hay đấy.
Cách đây không lâu, tâm lý học còn được coi là một nhánh của triết học. Cả hai đều xoay quanh việc tìm hiểu cách vận hành của tâm trí con người, nên điều này cũng hoàn toàn hợp lý. Thế nhưng, vào cuối thế kỷ 19, tâm lý học đã trở thành một bộ môn riêng biệt, ra nhập giới khoa học và phương pháp khoa học. Người ta đã xác định rằng tâm thần và hành vi của con người có thể được đo đếm và hệ thống hóa như những đối tượng nghiên cứu khoa học khác. Các thuyết về tính cách được phát triển; tiềm thức được “phát hiện”; lối hành xử phi lý đã có lời giải đáp.
Song nhiều triết gia thời bấy giờ, đặc biệt là các triết gia khoa học, hẵng còn nhiều nghi vấn. Ví dụ, nói cho chính xác thì tiềm thức – thứ không thể nhìn thấy hay sờ được – có thể là cái gì? Và rồi triết gia Karl Popper quả quyết rằng phức cảm Oedipus không thỏa mãn tính phản nghiệm, nghĩa là không tồn tại bằng chứng khả thức nào đủ để chứng minh giả thuyết Oedipus là sai, vì vậy nó là vô giá trị. Nhiều triết gia khác kết án tâm lý học là một dạng Thuyết Khoa Học Vạn Năng – lạm dụng các phương pháp khoa học để nghiên cứu các hiện tượng vốn khó có thể đưa vào nghiên cứu khoa học.
Sát sườn với vấn đề đang được đề cập là việc các triết gia đạo đức đã kịch liệt phản đối việc một số nhà tâm lý học đánh đồng cách con người hành xử và cách chúng ta nên hành xử. Các triết gia này chỉ ra lỗi ngụy biện “trọng tự nhiên” – lỗi phỏng đoán rằng cứ thứ gì tự nhiên thì tốt về bản chất. Và các nhà tâm lý học không phải là những người duy nhất mắc lỗi này. Ví dụ, một số người cho rằng đồng tính là phi tự nhiên – nó không thúc đẩy quá trình sinh sản theo cách mà Tự Nhiên đã an bài cho tình dục – vì vậy, đồng tính là xấu. Phương pháp logic “nhảy cóc” này tồn tại nhiều vấn đề và một trong số đó là có cả tấn ví dụ về hoạt động tình dục đồng tính trong tự nhiên, từ loài cú lợn trắng đến bò rừng, từ tinh tinh lùn đến khỉ. Hơn nữa là, tôi chưa từng gặp người đồng tính nào cảm thấy hoạt động tình dục của mình là không tự nhiên.
Greene đã không rơi vào cái bẫy của lỗi ngụy biện này. Thế nhưng, anh vẫn tin rằng để hình thành các ý niệm và nguyên tắc thiết thực về cách con người nên hành xử, thì chúng ta nên xác định cách người ta thực sự đưa ra quyết định đạo đức. Quy trình đó là gì và thứ gì dẫn lối cho nó? Và quá quyết định đạo đức thực ra bắt nguồn từ đâu?
Điều mà các nhà tâm lý học và sinh lý học não bộ hiện nay đang thắc mắc là: Bộ não của con người có bản năng đưa ra các lựa chọn có đạo đức hay không? Ví dụ, lòng vị tha có nằm sẵn trong ADN của chúng ta? Các nhà tư tưởng này đưa ra giả thuyết rằng giống như các đặc điểm thể chất, các đặc điểm tâm lý cũng tiến hóa dựa trên sự sinh tồn của những đặc tính phù hợp nhất, và có lẽ, lòng vị tha là một đặc điểm tiến hóa để sinh tồn của giống loài chúng ta – hay ít nhất là cho những nhóm riêng biệt trong giống loài của chúng ta.
Giáo sư Joshua Greene, người có chuyên môn trong cả triết học lẫn tâm lý học, là một trong những nhà tư tưởng ấy. Trong câu nói tôi ghi lại vào cuốn sổ này, Greene đã chỉ ra điểm mâu thuẫn cốt yếu trong mạng lưới di truyền của chúng ta: Vì những lý do sinh tồn vô cùng đúng đắn, chúng ta đã tiến hóa để quan tâm tới những cá thể thân thuộc – bộ lạc của mình – nhưng ta cũng tiến hóa để biết e sợ và chiến đấu với các bộ lạc đối nghịch. Lòng vị tha cực kỳ hữu dụng trong cộng đồng – đạo lý về việc giúp đỡ hàng xóm có lợi cho sự sống còn của mọi người trong bộ lạc. Nhưng với người ngoài bộ lạc thì sao? Làm vậy lại chẳng hay cho lắm. Nói cho chính xác thì ngay trong một bộ lạc đã có sự khác biệt về mức độ vị tha rồi. Như nhà khoa học J. B. S. Haldane đã lạnh lùng nói: “Tôi sẽ hy sinh tính mạng của mình cho hai người anh em… hoặc tám người anh em họ.”
Vấn đề căn bản là thời nay, thành viên của các bộ lạc khác nhau lại đụng mặt nhau suốt thôi. Bộ lạc quốc gia, bộ lạc chính trị, bộ lạc tôn giáo, bộ lạc khu đô thị riêng biệt – gì cũng có. Ngày nay, khó có chuyện ra khỏi nhà mà không gặp người thuộc bộ lạc khác. Và khi đi xa bằng máy bay hay thậm chí chỉ đơn giản là đọc báo thôi, chúng ta cũng bắt gặp thành viên các bộ lạc ở mọi nơi. Greene đi đến kết luận rằng vấn đề lớn của triết học đạo đức là tìm ra cách kết nối khoảng cách giữa bản năng bộ lạc của chúng ta với thế giới đa bộ lạc mà ta sinh sống.
Greene có ý tưởng về cách thức hiện thực hóa điều này và xét trên nhiều phương diện, thì nó cơ bản là Chủ Nghĩa Công Lợi của John Stuart Mill và Jeremy Bentham, nhưng được điều chỉnh cho phù hợp hơn với những phát hiện gần đây về cách con người đưa ra các quyết định đạo đức.
Đầu tiên, chúng ta cần hiểu rằng con người đưa ra các quyết định đạo đức theo hai cách rất khác nhau: bằng các suy nghĩ nhanh, đầy tính bản năng, và bằng các suy nghĩ chậm, được cân nhắc kỹ càng. Kiểu đầu tiên thường nặng cảm xúc hơn và kiểu thứ hai thì lý trí hơn. Dĩ nhiên, quyết định đạo đức sinh ra từ hai phương pháp này thường xuyên xung đột với nhau. Nhưng đặc tính mà cả hai cùng có chính là bản năng vị tha, gần giống Quy Tắc Vàng, mang tính công lợi, đã tiến hóa trong ta. Khi ở chế độ suy nghĩ nhanh và theo bản năng, chúng ta tự khắc dành sự vị tha bẩm sinh cho gia đình và bộ lạc. Chúng ta không cho phép mình rút ruột heo đất của con cái theo một cách bản năng (à thì, ít nhất hầu hết mọi người đều làm vậy). Không cần bất kỳ lý do sâu xa nào trong trường hợp này. Khi ở chế độ suy nghĩ chậm và kỹ, chúng ta xác định một cách lý trí rằng Quy Tắc Vàng là hợp lý và cố gắng áp dụng nó với mọi người, chứ không phải chỉ với những thành viên trong bộ lạc – điều tốt nhất cho nhiều người nhất trong tất cả mọi người. Ta đi đến quyết định rằng lấy cắp tiền tiết kiệm của bất kỳ ai cũng là sai, kể cả khi người sở hữu số tiền đó là thành viên của bộ lạc khác. Nhưng trong hầu hết các trường hợp, giữa hai chế độ quyết định này tồn tại tình trạng căng thẳng rất giống với căng thẳng giữa bản năng bộ lạc và thế giới đa bộ lạc mà ta đang sống.
Không, Greene không hề dẫn giải đề xuất rằng ta có thể khiến thế giới tốt đẹp hơn bằng cách đè nén chế độ nhanh và bản năng, và cứ thế vận dụng chế độ trầm ngâm và chậm rãi. Như anh đã từng dí dỏm chia sẻ: “Ta không nên mù quáng lên án bản năng đạo đức là ‘cảm giác tội lỗi bản năng’.” Tóm lại, anh cho là chúng ta đơn giản không thể vứt bỏ “chế độ cài đặt tự động” của mình. Nhưng anh cũng tin chúng ta có khả năng qua mặt chúng.
Một cách có thể giúp thực hiện điều này là tạo điều kiện cho hai chế độ kia “đàm đạo” với nhau. Sau đó, biết đâu lòng vị tha bản năng của chúng ta có thể trở thành nền tảng cảm xúc vững chắc cho tính công lợi cẩn trọng, và tính công lợi cẩn trọng ấy có thể thúc đẩy bản năng mang tính bao hàm hơn. Những nguyên tắc lý trí của chế độ suy ngẫm chắc chẳng bao giờ thoải mái với cái tôi bản năng của chúng ta, nhưng lợi thế mà ta nắm giữ là “ai cũng thấy thôi thúc của tính công bình chính là lý tưởng đạo đức.” Cuộc trò chuyện nội tâm này chỉ là một bước nhỏ, nhưng Greene tin rằng nó có thể đem đến những ích lợi lớn.
Tôi rất ấn tượng với phương pháp tiếp cận luân lý học thiết thực của Greene cũng như những mục đích khiêm tốn và đầy tỉnh táo theo sau. Các triết gia đạo đức thường xuyên xa rời các suy nghĩ và hành vi thực tế của chúng ta, nên những tuyên bố của họ lại quá đỗi hiển nhiên hoặc chẳng hề thiết thực.
Tôi cũng chịu ơn Greene vì anh phần nào đã xoa dịu cảm giác tội lỗi sau khi tôi thất bại thảm hại trong bài kiểm tra đạo đức của Peter Singer. Green đã viết: “Chẳng hợp lý chút nào khi trông đợi con người ngoài đời thực gạt bỏ mọi thứ quý giá chỉ vì cái lợi chung. Ví dụ như với cá nhân tôi, số tiền tôi dành cho lũ trẻ nhà mình sẽ tốt hơn nhiều nếu được dành cho những đứa bé đang đói khát tại miền đất xa xôi nào đó, nhưng tôi hoàn toàn không có ý định thay đổi. Suy cho cùng thì tôi chỉ là con người thôi mà! Nhưng tôi thà làm một người tự ý thức được bản thân là đồ đạo đức giả và nỗ lực để cải thiện, còn hơn là làm kẻ lầm tưởng những hạn chế đạo đức đặc trưng của loài người là các giá trị lý tưởng.”
Với tôi thế là đủ.

DANIEL KLEIN

Trích: “Đuổi Triết Học Bắt Triết Lý”; Việt dịch: Jen & Ngọc; NXB Thế Giới, 2020

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *