Làm thế nào để làm việc với cơn giận và cảm giác chán ghét khi từ ái dường như là không thể và trái tim đã đông cứng? Làm thế nào có thể khảo sát những trạng thái tâm bất thiện mà chúng thường là phản ứng theo thói quen đối với những trải nghiệm khó chịu hoặc khó khăn? Những điều này có thể được quan sát dễ dàng trong mối liên hệ giữa chúng với nỗi đau thể chất, thường là sự co rút, thất vọng và thiếu kiên nhẫn; chúng ta không thích chúng. Chúng ta muốn nỗi đau biến mất và tham gia vào tất cả các loại chiến lược tinh thần không hiệu quả để thực hiện điều này. Chúng ta có thể vướng vào những làn sóng tự thương hại hoặc chìm đắm trong sợ hãi, hoặc mặc cả với nỗi đau để khiến nó rời đi: “Tôi sẽ chú niệm nếu cậu đi.”
Hoặc chúng ta có thể cố gắng tránh né sự khó chịu bằng những cách khác. Nhiều năm trước, khi đang sống và thực hành ở Ấn Độ, tôi đã đến Kashmir trong những tháng mùa hè nắng nóng. Một phần cuộc hành trình là một chuyến đi rất dài, nhiều giờ trên một chiếc xe buýt Ấn Độ đông đúc, nóng nực. Tôi có một chỗ ngồi chật chội ngay trên trục khuỷu và chiếc xe buýt chạy ì ạch, rung lắc trên những con đường núi nhỏ hẹp. Tôi có thể thấy chuyến đi sẽ thực sự khó chịu, vì vậy nghĩ rằng sẽ chỉ chú ý tới hơi thở của mình trong suốt thời gian đó, tránh mọi cảm giác tiêu cực. Một giờ, hai giờ, ghi nhận hơi thở: “Vào, ra, vào ra.” Chiến lược này dường như có tác dụng trong một khoảng thời gian khá dài. Tôi tập trung vào hơi thở và không quá chú ý tới cảm giác khó chịu của bản thân. Nhưng đến một thời điểm nhất định, việc đó lại thành ra quá sức. Tôi đã cố gắng rất nhiều để bám lấy hơi thở và không cảm nhận bất cứ điều gì khác, điều đó đã làm tôi kiệt sức. Tại thời điểm đó, có một sự tỉnh thức nhỏ. Tôi nhận ra rằng cuộc đấu tranh thực sự đang là cố gắng loại bỏ những điều khó chịu trong khi những gì mình thực sự cần làm là đón nhận chúng. Từ khoảnh khắc đó, tôi bắt đầu cởi mở với bất cứ điều gì phát khởi – cái nóng, tiếng ồn, những cảm giác khó chịu trong cơ thể, những rung động, mùi động cơ, tất cả. Khi có thể đón nhận tất cả, tâm được thoải mái và phần còn lại của cuộc hành trình trở nên tốt đẹp. Mọi thứ vẫn như chúng vốn là; tôi không còn phải chiến đấu với chúng nữa.
Ác cảm cũng nảy sinh khi chúng ta nhớ lại những tình huống khó chịu nhất định trong quá khứ hoặc dự đoán những tình huống trong tương lai. Chúng ta có thể dễ dàng tạo ra các kịch bản trong tâm khiến mình tức giận hoặc sợ hãi. Có một câu chuyện về một thiền tăng già sống ở vùng núi Nhật Bản. Ông là một nghệ sĩ vĩ đại và đã dành nhiều thời gian để vẽ một con hổ trên bức vách trong hang của mình. Sau nhiều năm miệt mài tạo ra một con hổ trông rất giống thật, cuối cùng ông cũng hoàn thành bức tranh, nhìn nó và trở nên sợ hãi. Tất cả chúng ta thường quá sợ hãi, tức giận hoặc buồn bã trước những con hổ được vẽ trong tâm mình trước những câu chuyện về các sự kiện trong quá khứ hoặc một tương lai tưởng tượng.
Không thể cởi mở với những cảm xúc khó chịu là một nguyên nhân khác khiến cho sự tức giận và ác ý nổi lên, càng làm lu mờ khả năng của từ ái. Điều này thường xảy ra khi chúng ta cá nhân hóa một tình huống khác biệt mà trên thực tế, không mang tính cá nhân. Vài năm trước tôi có ghé qua sân bay Newark trên đường tới Denver. Khi chúng tôi đã yên vị trên máy bay và đang di chuyển ra đường băng thì máy bay đột nhiên dừng lại. Đây không phải là điềm báo tốt lành. Phi công thông báo rằng do gió lớn ở Denver và tải trọng máy bay quá nặng, chúng tôi cần quay lại cổng và xuống khoảng nửa số hành khách – tất cả những người bay nối chuyến.
Vào thời điểm quay lại cổng, một hành khách đã rất lo lắng về sự chậm trễ và khả năng mắc kẹt qua đêm tại sân bay. Anh ta hét vào mặt tiếp viên hàng không, mắng nhiếc các hãng hàng không, nói chung là trút ra rất nhiều giận dữ. Tôi quan sát từ chỗ ngồi của mình và thoạt đầu cảm thấy rất ác cảm với người đang tạo ra một cảnh tượng khó chịu như vậy. Nhưng sau đó tôi bắt đáu cố gắng hiểu điều gì đang thực sự xảy ra.
Rõ ràng là tình hình tự nó đã gây ra thất vọng. Sự chậm trễ kéo dài, phải thay đổi mọi sự sắp xếp – tôi nghĩ hầu hết chúng tôi đều có chung cảm giác buồn lo. Nhưng con người đó đã không thể kìm được sự thất vọng và không thể đối mặt với nó một cách cân bằng. Bản thân sự thất vọng đã gây khó chịu cho anh ta, thậm chí đến mức không thể chịu đựng nổi, nó bùng phát thành cơn giận dữ. Rõ ràng tiếp viên hàng không không liên quan đến quyết định; trên thực tế bản thân quyết định của hãng dựa trên các cân nhắc về sự an toàn. Đó chắc chắn không phải là một hành động cá nhân chống lại hành khách của hãng hàng không, mặc dù trong những tình huống như thế này, nó thường tạo cảm giác như vậy. Đối với tôi, sự việc này là một ví dụ nổi bật về sức mạnh to lớn của chú niệm để giảm bớt khổ đau. Nếu người hành khách đó có thể hít thở một hoặc hai hơi, cởi mở với cảm giác khổ đau và có lẽ, suy nghĩ về cách mình muốn được đối xử nếu là một nhân viên hàng không trong tình huống tương tự, anh ta có thể không kích động như vậy. Khi gặp phải những cảm xúc khó chịu cũng như những cảm giác khó khăn về thể chất, sự đón nhận này bắt đầu giải phóng chúng ta khỏi thói quen phản kháng và cho phép chúng ta nghỉ ngơi ở một nơi thoải mái.
Trong tất cả mọi hình thức ác cảm, trái tim sẽ co cứng lại. Khi đó chúng ta bị giam cầm bởi những phản ứng của chính tâm mình, sau đó củng cố cảm giác về tính cá thể và sự cách biệt. Nhưng cũng có một thứ gì đó cực kỳ quyến rũ về cơn giận cứ kéo chúng ta vào trong và nuôi dưỡng nó. Đức Phật đã mô tả điều đó rất hay khi Ngài nói: “Cơn giận, với gốc tẩm độc và ngọn tẩm mật”. Chúng ta cảm thấy mạnh mẽ, tràn đầy năng lượng và thường tự cho mình là đúng khi chìm trong cảm giác tức giận. Chúng ta có thể cảm thấy nó mang lại cho mình năng lượng cần thiết để thực hiện các hành động thích hợp.
Tuy nhiên, có một nguồn sức mạnh sâu sắc và thiện xảo hơn nhiều, một nguồn sức mạnh không độc hại và do đó không mang lại bất kỳ kết quả nguy hại nào. Đó là sức mạnh của tình yêu và tình thương. Chúng ta có thể thực hành từ ái không chỉ với người khác – ngay cả khi họ đang khó khăn – mà còn với chính cơn giận, với tâm đau khổ của chính chúng ta. Thích Nhất Hạnh, một thiền sư, nhà thơ và nhà hoạt động vì hòa bình tuyệt vời của Việt Nam, đã gợi ý rằng khi đang cảm thấy tức giận, chúng ta nên ôm nó trong vòng tay mình với thật nhiều sự dịu dàng. Ngài nói rằng đem chú niệm vào cơn giận cũng giống như Mặt Trời tỏa chiếu vào bông hoa; bông hoa không thể cưỡng lại việc mở ra khi ánh nắng xuyên qua nó. Tương tự như vậy, khi chúng ta ôm ấp cơn giận bằng tình yêu và tình thương, nó sẽ mở ra, bộc lộ chiều sâu và nguồn cội của mình.
Khi thực hành từ ái, dường như chúng ta còn có nhiều ác cảm hơn cả khi mới bắt đầu, chúng ta trở nên cáu kỉnh hơn. Nhưng nếu có thể chú niệm vào những gì đang xảy ra thì một quá trình thanh tẩy mạnh mẽ sẽ diễn ra. Như thể những giọt nước mát lạnh rơi xuống một miếng kim loại nóng đỏ. Khi một giọt chạm vào kim loại sẽ có âm thanh của hơi nước bốc lên. Lặp đi lặp lại, nước mát chạm vào kim loại nóng: “Xèo… xèo…” Nhưng dần dần tiếng hơi bốc lên từ từng giọt nhỏ dần cho đến khi không còn phản ứng gì nữa. Miếng kim loại đã nguội. Tâm chúng ta hoạt động theo một cách tương tự. Tất cả chúng ta đều mang trong mình một kho chứa khổng lồ những ấn tượng, những phản ứng cũ, những phán xét và tổn thương. Khi bắt đầu thực hành những mong ước yêu thương, những thứ này thường xuất hiện trên bề mặt… “xèo… xèo… Nhưng theo thời gian, những khuôn mẫu này bắt đầu mất sức mạnh và chúng ta thấy mình sống với một tâm trạng thoải mái hơn, hạnh phúc hơn và vui vẻ hơn.
Sau đây là lời kể của Tekiken, con nuôi của một trong những học trò của Ryokan về vị thiền sư này. Nó cho thấy sự thống nhất tuyệt vời giữa các cấp độ tương đối và tuyệt đối trong sự rộng mở của cảm giác yêu thương:
Khi Thiền sư ra ngoài, lũ trẻ sẽ đi theo Ngài. Đôi khi chúng hét lớn vào mặt Ngài và Thiền sư sẽ hét lại một cách ngạc nhiên, hất tay lên, nhảy bật về phía sau và gần như mất thăng bằng. Bất cứ khi nào bọn trẻ thấy Ngài, chúng luôn làm như vậy. Những người bình thường cau mày về hành vi này. Người cha quá cố của tôi từng hỏi Ngài về điều đó. Ngài cười và nói với ông: “Khi bọn trẻ hạnh phúc, điều đó khiến ta hạnh phúc. Bọn trẻ hạnh phúc và ta cũng hạnh phúc, mọi người vui vẻ cùng nhau và vì thế ta luôn làm như vậy. Không có hạnh phúc nào chân thật hơn điều đó!” Hạnh phúc này của Thiền sư tự nó đã là biểu hiện của chân lý tuyệt đối.