Nịnh là phép xử thế của những kẻ bất tài, kém sức nhưng lại muốn vươn lên bằng thủ thuật nịnh bợ với cấp trên, người có quyền, có tiền hơn mình.
Nịnh bợ chỉ có một chiều, dưới nịnh bợ trên, không có chuyện người trên nịnh bợ kẻ dưới, ngoại trừ trường hợp dỗ dành trẻ con và trường hợp này thì “Nịnh” đã biến thành “Nựng”. Trên thế giới từ xưa tới nay có khá nhiều mẩu chuyện điển hình về nịnh bợ:
Ở Trung Quốc, – Chuyện thứ 1:
Theo sử sách Đông – Tây kim cổ, kẻ thành đạt, giàu có có quyền thế bậc nhất nhờ nịnh bợ thì chưa ai vượt qua được Hoà Thân thời vua Càn Long nhà Thanh.
Ví dụ: khi Càn Long hứng chí làm thơ, Hoà Thân hết lời ca ngợi “thơ Hoàng Thượng tuyệt đỉnh, chữ viết như rồng bay phượng múa. Triều đình ta nghìn năm chưa có ai làm thơ hay và viết chữ đẹp như thế !” Hoà Thân thích ca tụng “Công ơn của Hoàng Thượng như trời bể, tài đức sánh ngang với Vua Nghiêu, vua Thuấn” nhờ thế mà Hoà Thân từ một tên quan lại thấp hèn đã leo lên đến Tể Tướng và giàu có tột đỉnh.
– Chuyện thứ 2:
Triệu Cao là Tể tướng nhà Tần, rất được lòng Tần Nhị Thế, âm mưu giết hại Thừa tướng Lý Tư. Triệu Cao đem dâng vua một con hươu và bảo đó là con ngựa. Tần Nhị Thế hỏi quần thần “con vật này là con hươu hay con ngựa”. Bọn xu nịnh Triệu Cao bèn tâu là Ngựa. Ở Việt Nam, – Chuyện thứ 1:
Một tên đầy tớ có thói quen phỉnh nịnh, chủ nói gì hắn đều nói theo và phóng đại tô màu. Đi chơi, người chủ khen “lúa đồng làng này tốt quá”, tên đầy tớ ca theo “lúa đồng làng ta tốt gấp mười lần”. Chủ khen cô thôn nữ xinh gái. Tên đầy tớ ca theo “cô nương nhà ta xinh gấp mười lần!”. Khi gặp bà già, chủ nhận xét bà già xấu xí, tên đầy tớ quen mồm buột miệng “Bà nhà ta xấu gấp mười lần”(!)
Một tên lính hầu phát hiện trên chòm râu quan huyện có dính hạt cơm. Hắn quỳ tâu: “Bẩm quan lớn có hạt minh châu vương trên long tu ngài” Quan hiểu ý nhặt bỏ hạt cơm, rất hài lòng khen tên lính chầu thông minh và được cất nhắc…
Bình luận:
Suy cho cùng, nịnh là để chiếm cảm tình của cấp trên để mưu cầu lợi ích riêng. Các nhà xã hội học đều cho rằng nịnh có hại cho sự phát triển của xã hội, cực kỳ nguy hiểm đối với nhân cách, mạng sống của con người chân chính, làm xói mòn đạo đức, kỷ cương của xã hội.
Bởi vậy trên thế giới này vẫn còn vô số người quyền cao, chức trọng vẫn thích nghe những lời tâng bốc, nịnh bợ đến nỗi tan tành sự nghiệp, mất cả mạng sống của mình. Quan Vân Trường oai phong lẫy lừng là thế mà bị chặt đầu, mất Kinh Châu bởi vì mất cảnh giác trước những lời tâng bốc và phỉnh nịnh của Lục Tốn – đại tướng thời Tam Quốc.
Tuy nhiên nói một cách công bằng trong xã hội, có nhiều người ưa nịnh thì cũng có không ít người khẳng khái, không ưa nịnh, luôn giữ bản chất trong sạch của mình trước kẻ cường quyền dù đó là Vua của một nước. Nhan Súc, học giả nổi danh của nước Tề, là một điển hình về sự khảng khái không chịu xu nịnh. Chuyện kể rằng khi Tề Tuyên Vương đến nhà Nhan Súc, Vua gọi: “Nhan Súc, lại đây!” Nhan Súc bình tĩnh đáp lại: “Hoàng Thượng, lại đây!”.
Các quan theo hầu vua hạch tội, Nhan Súc giải thích: Vua gọi mà Nhan Súc lại để xun xoe thì Súc là người xu nịnh, ham muốn quyền lực. Súc gọi mà Vua lại thì Vua là người quí trọng hiền sĩ. Nếu để Súc này mang tiếng xu nịnh ham muốn quyền thế thì sao, bằng để nhà Vua được tiếng quí trọng hiền tài!
ST.