Mỗi câu chuyện sẽ là một bài học cuộc sống quý giá và thiết thực. Hãy đọc trong bài viết dưới đây và suy ngẫm nhé.
Những câu chuyện ngắn này sẽ giúp bạn có cách nhìn nhận cuộc đời tốt hơn, cuộc sống vốn vĩ không phải màu hồng như bạn nghĩ. Hãy suy ngẫm những câu chuyện dưới đây để rút ra cho bản thân mình những bài học cuộc sống.
Vị thiền sư và con bọ cạp
Một vị thiền sư nhìn thấy con bọ cạp rơi xuống nước, bèn quyết tâm cứu nó. Ai ngờ vừa chạm vào nó, đã bị nó chích vào tay. Vị thiền sư không sợ hãi, lại một lần nữa ra tay, lần này ông lại bị chích. Người bên cạnh nói: “Nó lúc nào chẳng chích người, hà tất phải cứu nó?”. Vị thiền sư đáp: “Chích người là bản năng của con bọ cạp, còn lương thiện là bản năng của tôi, sao tôi có thể vì bản năng của nó, mà vứt bỏ bản năng của tôi?”.
Bài học rút ra: Lỗi sai của chúng ta nằm ở chỗ, bởi vì đám đông mà thay đổi bản thân.
Kẻ ăn mày
Người ăn mày ghé đến nhà Tiểu Vương xin ăn, Tiểu Vương bèn cho ông ta 10 đồng. Thế là hôm sau ông này lại đến. Tiểu Vương thương tình, cứ thế cho tiền lão ăn xin đều đặn. Đến một bữa nọ, số tiền ông ta nhận được bỗng giảm xuống chỉ còn 5 đồng. Lão bèn hỏi Tiểu Vương vì cớ gì mà lại cắt giảm lượng tiền cho ông ấy xuống như thế? Tiểu Vương bảo rằng chàng vừa cưới vợ. Thế là lão ăn xin lập tức nổi cơn tam bành, xông vào đánh Tiểu Vương và hét: “Sao nhà ngươi dám lấy tiền của ta để nuôi con vợ ấy?”.
Câu chuyện cho thấy sự vô lí lẽ và trơ trẽn của kẻ tiểu nhân sau khi được người khác giúp đỡ. Lòng tốt nếu cho đi quá thường xuyên sẽ khiến người nhận cho là “lẽ đương nhiên” và dần thiếu đi sự tôn trọng.
Bài học cuộc sống: Trời mưa
Ba người ra khỏi nhà, một người mang ô, một người mang gậy chống, một người đi tay không. Khi quay trở về, người cầm ô quần áo ướt sũng, người cầm gậy chống bị ngã, người thứ ba bình an vô sự. Thì ra, người có ô khi trời mưa đã bước đi mạnh bạo, cuối cùng bị ướt.
Khi đi chỗ đường trơn, người chống gậy cậy mình có gậy nên đi nhanh, kết quả chốc chốc lại bị ngã. Người đi tay không, khi trời đổ mưa, anh ta trú, khi thấy đường trơn trượt, anh ta đi cẩn thận, ngược lại lại bình yên vô sự.
Kết luận: Đôi khi, không phải là chúng ta thất bại vì khiếm khuyết của chúng ta, mà là thất bại vì ưu thế của chúng ta.
Chiếc bát vỡ
Một người đàn ông đang gánh chạn bát qua đường. Đi qua đoạn dốc, quang gánh nghiêng, làm một chiếc bát trượt xuống đường và vỡ nát. Ông lão cứ thế đi tiếp mà không hề ngoảnh đầu lại nhìn. Thấy lạ, người đi đường bèn nói: “Ông lão ơi, sao bát rơi vỡ mà ông chẳng hề hay biết?”. Ông lão trả lời: “Ta biết chứ, nhưng dẫu sao nó đã vỡ rồi, có tiếc nuối hay không cũng có được gì đâu!”.
Hãy học tập thái độ lạc quan của ông lão trước những sự việc rủi ro không mong muốn. Dù có tồi tệ đến mức nào, mọi chuyện rồi cũng sẽ qua. Cứ thế tiến lên phía trước và đừng nghĩ ngợi về quá khứ đau buồn nữa, bạn nhé!
Suy nghĩ khác
Một nhà có ba người con trai, họ trưởng thành trong những trận cãi vã không ngừng của cha mẹ, mẹ của họ lúc nào cũng bị cha họ đánh đập thương tích đầy mình.
Người con cả nghĩ: Mẹ thật đáng thương! Sau này mình phải đối tốt với vợ mình hơn.
Người con thứ hai nghĩ: Kết hôn thật chẳng có nghĩa lý gì, sau này mình lớn lên chắc chắn sẽ không lấy vợ!
Người con thứ ba nghĩ: Thì ra, chồng có thể đánh đập vợ như vậy!
Kết luận: Cho dù môi trường sống giống nhau, nếu cách tư duy không giống nhau, sẽ kéo theo những cuộc đời không giống nhau.
An Phương