SUY NGHĨ LÀ GÌ ?

Đừng để tôi tạo cho bạn ấn tượng rằng việc suy nghĩ là tồi tệ – ngược lại: bạn sẽ không thể đọc cuốn sách này nếu bạn không suy nghĩ, chứ chưa nói đến việc tìm đôi giày của mình vào sáng hôm sau. Nhưng vấn đề của chúng ta với suy nghĩ là: chúng ta không thể phân biệt những suy nghĩ nào hữu ích và những suy nghĩ nào khiến chúng ta phát điên. Tình hình là: khi chúng ta có một thử thách rõ ràng, bất kể đó là việc tính ra tốc độ của ánh sáng hay tìm ra túi hút bụi hiệu Hoover, ai đó, ở nơi nào đó, sẽ nghĩ ra giải pháp. Nhưng chúng ta sẽ không bao giờ khám phá ý nghĩa của những suy nghĩ được kích động bởi cảm xúc của mình, về lý do tại sao chúng ta không trẻ hơn/giàu hơn/hạnh phúc hơn/có năng khiếu hơn. Việc suy nghĩ về những điều này chỉ dẫn chúng ta xuống cái hố sâu hun hút của việc trầm ngâm suy nghĩ và những đêm mất ngủ.

“Suy nghĩ là gì?” tôi nghe thấy bạn hỏi câu này. Chúng có phải là sản phẩm của thứ mà chúng ta gọi là trí tưởng tượng không? Hãy cho phép tôi là người đầu tiên nói với bạn rằng trí tưởng tượng là một hiện thực vật lý và không phải là một bong bóng suy nghĩ lẩn khuất não bạn. Đúng thế, ngay cả khi bạn tưởng tượng thứ gì đó, một hiện tượng sinh học và vật lý đang diễn ra bên trong bộ não và cơ thể bạn.

Ngay khi chúng ta tạo ra ngôn ngữ, chúng ta đã có thể suy nghĩ theo các từ và câu. Khi bạn nói ra thành lời lẫn khi bạn nói với bản thân trong đầu, bộ não đều sử dụng cùng những vùng ấy. Khi bạn hát thầm một bài hát trong đầu, bạn cũng sử dụng phần vỏ não thính giác, cứ như thể bạn đang nghe thấy bài hát ấy từ thế giới bên ngoài. Điều tương tự cũng diễn ra khi bạn hình dung một khung cảnh trong đầu: bạn sử dụng chính phần vỏ não thị giác mà bạn dùng khi thực sự nhìn thấy thứ gì đó.

Chúng ta thích nghĩ rằng suy nghĩ của chúng ta chính là chúng ta; chúng ta tưởng tượng cái đầu mình là một chiếc máy tính khổng lồ. Chúng ta là những ngôi sao trong chương trình truyền hình thực tế của riêng ta và tất cả những người khác là nhân vật phụ. Mặc dù chúng ta biết những người khác có chương trình thực tế và quan điểm của riêng họ, thì sâu bên trong, chúng ta cảm thấy đó chẳng qua vì họ ảo tưởng và không được sáng suốt cho lắm. Đây thường là lý do vì sao chúng ta cười khẩy và liếc mắt khi ai đó đưa ra quan điểm của họ. Chúng ta đôi khi quên mất rằng: tất cả mọi người đều đang xem một kênh “cái tôi” riêng.

Descartes đã viết “Tôi tư duy, vì thế tôi tồn tại”, và tôi đã luôn nghĩ rằng ông ta thật khôn ngoan khi viết câu này. Nhưng hóa ra ông ta đã sai. Bạn không phải là những suy nghĩ của bạn, bạn là một tổng hòa của hàng triệu quy trình, và bạn không nhận thức được bất cứ quy trình nào trong số này. Trong chỉ một ngày, chúng ta sản sinh ra 40 nghìn tỷ tế bào mới và 40 nghìn tỷ tế bào chết đi. Ai đã nghĩ ra những con số này? Tôi vẫn thường tự hỏi. Về khoản này, tôi cũng có thể dựng ra một số con số. OK, trong suốt cuộc đời mình, móng tay bạn sẽ dài ra cả thảy hơn 13 km và lượng nước tiểu bạn thải ra sẽ làm đầy 561 thùng đựng loại 1 tấn. Ấn tượng chưa? Và tất cả những việc này đang diễn ra khi bạn chọn một tấm thảm, và hạnh phúc thay, không hề nhận thức được tất cả những đang xảy đến và diễn ra bên trong bạn. Không một thứ gì bên trong bạn ngừng làm việc. Không bao giờ có một ngày nghỉ, chừng nào chưa đến phút cuối của cuộc đời, vì thế câu đó hóa ra phải là “tôi tồn tại, vì thế tôi tư duy” thì đúng hơn.

Bản chất thực sự của bạn lớn lao hơn những suy nghĩ của bạn rất nhiều. Trên thực tế, suy nghĩ chỉ chiếm khoảng 1% những gì diễn ra bên trong bộ não của bạn. Phần 99% còn lại, bạn không nhận thức được và không bao giờ có đủ băng thông để biết được. Bộ não của bạn bận rộn đến nỗi không thể để ý đến những suy nghĩ, bởi nó đang phải xử lý khoảng 11 triệu bit thông tin mỗi giây. Với những con số này, việc chúng ta thu được bất cứ thông tin nào trong tâm trí cũng đều là một phép mẫu. Có một vài thứ mà chúng ta nhận thức được: ví dụ, chúng nói rằng điều này không hề ấn tượng đến mức khó tin, ta biết khi nào ta phải vào phòng tắm. Tôi xin phép được cũng chẳng phải là một tin động trời; loài sóc cũng làm được như vậy.

LOÀI ONG

Để giúp bản thân hiểu khái niệm này, hãy tưởng tượng rằng suy nghĩ của bạn đang được sản xuất bởi một ong chúa duy nhất đang ở thời kỳ ấu trùng nằm trong não bạn (cho những ai chưa biết mấy về khoa học thần kinh: không có một con ong nào trong não bạn đâu). Xung quanh nó là những con ong bồi bàn, phục vụ đồ ăn, giúp việc, lao công xây dựng, đỗ xe và sửa ống nước. OK, giờ hãy tưởng tượng rằng trong não của bạn cũng có những con ong phụ trách những hành động và suy nghĩ của bạn. Chẳng hạn, một số con đang xem những bộ phim về cà phê trong phòng thị giác của bạn; những con khác đang sản xuất ra mùi cà phê trong phòng khứu giác của bạn; và những con ong phụ trách vận động đang điều khiển đôi chân bạn hướng đến một quán Starbucks. Ong chúa nghĩ rằng nàng ta muốn cà phê nhưng thực ra nàng ta đang ảo tưởng, chính tất cả những con ong làm việc trong những phòng tách biệt của chúng mới đang gửi đi những lá phiếu bầu kích thích nàng ta chọn món latte. Không có một con ong duy nhất nào ra quyết định, mà chính phòng nào tạo ra tiếng vo ve to nhất sẽ quyết định.

Vì thế khi bạn nói “tôi nghĩ là tôi sẽ có một cốc đá xay bí ngô, gừng, và cappuccino gấp đôi, ít sữa, ít calo, với hạt cà phê được hái bởi những nô lệ thân thiện với môi trường ở Nicaragua, bạn sẽ lấy và uống cốc cà phê đó trong khi một vài con ong nào đó đã lại đang lên kế hoạch cho một chiếc bánh muffin sôcôla. Mặc dù bạn/ong chúa sẽ (một cách kiêu ngạo) chắc chắn rằng bạn nảy ra kế hoạch đó, sự thật là cả triệu con ong đã làm việc trước bạn để bạn có suy nghĩ ấy.

Hóa ra, khi chúng ta làm bất cứ điều gì, lý do không phải là chúng ta đã suy nghĩ và rồi hành động theo suy nghĩ ấy, mà là ngược lại. Nếu bất cứ suy nghĩ nào trong những suy nghĩ sau đây đến với tâm trí bạn, ví dụ như 1. Tôi phải mua đôi giày này bởi nó đang được sale và sẽ không bao giờ có một đôi giày nào giống đôi này với cái giá đó hoặc 2. Tôi nghĩ rằng tôi sẽ dành trọn cuộc đời mình cho việc cứu loài rùa Armenia, bạn có thể sẽ nghĩ rằng chúng vừa mới nảy ra trong đầu bạn, nhưng thực ra phần 99% bit thông tin mà bạn không nhận thức được đã đưa ra lựa chọn từ trước đó rồi. Suy nghĩ chỉ là phần nổi của tảng băng. Nếu bạn mua đôi giày hoặc chuyển một con rùa bằng đường không đến nơi an toàn, thì việc ấy thực ra đã được quyết định từ trước. Thế là hết, tan tành cái gọi là “ý chí tự do”. Đối với phần còn lại của não bộ, những suy nghĩ của chúng ta chỉ là một kẻ đi nhờ xe.


RUBY WAX

Trích: Làm Người Là Như Thế Nào ?;  Dịch giả: Hoàng Đức Long; Cty Sách Nhã Nam; NXB Thế Giới

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *